Trong 6 tháng đầu năm, các công ty sản xuất dầu ghi nhận những kết quả kinh doanh đáng ngưỡng mộ do nhu cầu dầu trong và ngoài nước đều tăng cao. Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) là một trong những đơn vị ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ nhờ giá dầu tăng mạnh 45% trong kỳ. Đồng thời hiệu suất hoạt động của nhà máy đạt 105% công suất thiết kế cũng đã góp phần đẩy giá cổ phiếu BSR tăng cao trong nhiều phiên. Tuy nhiên, câu chuyện của nửa cuối năm sẽ có nhiều thách thức hơn. Cùng chúng tôi phân tích chi tiết hơn về những kịch bản có thể xảy ra với cổ phiếu này trong thời gian sắp tới qua bài viết dưới đây.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm
Doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 48,908 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ và đạt 69% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 3,598 tỷ đồng và 3,527 tỷ đồng, so với mức lỗ 4,252 tỷ đồng cùng kỳ 2020. Kết quả kinh doanh tăng mạnh do giá dầu trong kỳ tăng 45% (dầu brent) làm doanh thu tăng. Chênh lệch giá bán sản phẩm và giá dầu nguyên liệu (crack spread) trong kỳ tăng tốt. Đặc biệt với sản phẩm xăng A92, A95, LPG, PolyPropylene, trong khi sản phẩm dầu DO, JetA1 vẫn ở mức thấp. Điều này đã mang đến mức lợi nhuận gộp hấp dẫn 3,914 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 8% so với mức -12.2% cùng kỳ 2020.
Trước đó, trong bối cảnh giá dầu thế giới ghi nhận mức tăng mạnh vượt mức 70 USD/thùng trong nửa đầu năm 2021, BSR báo lãi quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm 2021 rất tích cực. Lũy kế nửa đầu năm, BSR đạt 48.909 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 54% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 3.580 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Như vậy, tính riêng trong hai tháng 7 và 8/2021, BSR đã đem về doanh thu khoảng 11.896 tỷ đồng. Tương ứng bình quân mỗi tháng là gần 6.000 tỷ đồng. Con số này giảm 26% so với bình quân nửa đầu năm 2021. Ngoài ra, BSR cũng nộp khoảng 882 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong 2 tháng qua.
Thách thức cho nửa cuối năm
Hiện tại, nhu cầu thị trường tiêu thụ xăng dầu đang bị ảnh hưởng. Bởi nhiều tỉnh thành tại Việt Nam bị giãn cách, phong tỏa do làn sóng Covid19 bùng phát trở lại. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Có những thời điểm trong tháng 8 nhà máy phải hoạt động với 90% công suất.
Dự báo trong quý III, sản lượng đạt mức 84%-86% so với trung bình 6 tháng đầu năm và đạt khoảng 1.46 triệu tấn, sản lượng 6 tháng cuối năm là khoảng 3.11 triệu tấn. Doanh thu 6 tháng cuối năm dự báo đạt 47,710 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1,810 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế cả năm lần lượt đạt 96,620 tỷ đồng và 5,410 tỷ đồng. Thu nhập mỗi cổ phần đạt 1,640 đồng.
Đề xuất 4 kịch bản cho sản xuất kinh doanh
Để đạt các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, BSR đã đề ra 4 nhóm giải pháp chính. Đầu tiên là nhóm giải pháp về vận hành. Theo đó BSR tiếp tục duy trì nhà máy vận hành liên tục, ổn định ở công suất tối thiểu. Tối ưu hoá tồn kho, điều độ tàu xuất hàng để giảm chi phí phát sinh do tàu chờ.
Về dầu thô và sản phẩm, tiếp tục đàm phán để giảm thiểu hoặc hoãn lượng hàng nhập. Tổ chức bán các lô dầu đã mua. Đôn đốc khách hàng nhận tối đa sản phẩm theo hợp đồng đã ký. Thực hiện gửi kho trên bờ hoặc kho nổi. Áp dụng các chính sách bán hàng linh hoạt như chiết khấu, giãn thanh toán,…
Công tác quản trị dòng tiền cũng được chú ý. Tích cực làm việc với các đối tác để giãn thời gian thanh toán các chi phí, giãn thanh toán tiền mua dầu thô, thanh toán tiền dầu thô nhập khẩu bằng UPAS LC, giãn nộp thuế, thu hồi công nợ, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi,…
Đồng thời, khi nhận thấy thị trường xăng dầu gặp khó khăn, BSR đã dần chuyển hướng sang sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu. Theo đó, giữa tháng 8, phân xưởng Polypropylene của BSR đang vận hành ở công suất 115%. Công ty đã đưa ra thị trường các sản phẩm hạt nhựa PP mới và PP truyền thống. Các sản phẩm này ổn định hơn so với các sản phẩm ngoại nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore,…
Định giá cổ phiếu: Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFF và so sánh hệ số PE, PB, giá trị cổ phiếu BSR được xác định ở mức 18,200 đồng/cổ phần.