Trong thời gian vừa qua, những tin tức tích cực từ phía kết quả kinh doanh đã giúp cho cổ phiếu MSB đạt được những đột phá trên thị trường. Tuy nhiên, vì chất lượng tài sản còn chưa thực sự chắc chắn, các nhà đầu tư đang chú ý đến cổ phiếu này vẫn cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tố để quyết định có nắm giữ dài lâu hay không. Hãy cùng chúng tôi phân tích chi tiết hơn về cổ phiếu MSB qua kết quả về lợi nhuận và tổng tài sản trong 6 tháng đầu năm, từ đó giúp các nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan nhất về cổ phiếu này trong thời gian tới.
MSB lọt vào danh sách cổ phiếu hàng đầu ngành tài chính VNFind Lead
Cổ phiếu MSB vừa lọt vào rổ chỉ số VNFin Lead trong kỳ cơ cấu tháng 7/2021 và rổ chỉ số VN Diamond vào cuối tháng 4/2021. MSB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất niêm yết mới năm 2020 lọt vào hai bộ chỉ số này. Trước đó, dù chưa đủ thời gian niêm yết 6 tháng, cổ phiếu MSB vẫn lọt rổ VN Diamond trong kỳ cơ cấu cuối tháng 4/2021 do đảm bảo được các tiêu chí khác về vốn hóa thị trường, giá trị giao dịch hàng ngày và tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
“Cổ phiếu MSB lọt vào hai bộ chỉ số nổi bật của HoSE sau chưa đầy một năm lên sàn. Đây là kết quả hoạt động tích cực trong 6 tháng đầu năm của MSB. Qua đó góp phần nâng cao vị thế của MSB trên thị trường chứng khoán nói riêng và tài chính ngân hàng nói chung”, đại diện MSB nhận định.
Hồi cuối tháng 6, MSB được áp dụng cho vay ký quỹ (margin). Bởi đáp ứng được điều kiện niêm yết đủ 6 tháng trên HoSE và thỏa mãn các tiêu chí khác. Như kết quả kinh doanh có lãi, BCTC hợp nhất được soát xét, kiểm toán, được chấp nhận toàn phần.
Với lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu của 4 quý gần nhất khoảng 3.361 đồng (theo báo cáo tài chính), trên cơ sở mức giá đóng cửa MSB ngày 23/7/2021 đạt 28.150 đồng một cổ phiếu. Chỉ số PE của ngân hàng là 8,37 lần, thấp hơn PE trung bình các ngân hàng đang niêm yết.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, MSB báo lãi hơn 3.100 tỷ đồng, thực hiện 95% kế hoạch năm. Nhà băng dự kiến chốt quyền chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu trong quý III. Qua đó tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng.
Chất lượng tài sản còn nhiều thách thức
Lợi nhuận trước thuế Q2/2021 tăng mạnh +188% YoY đạt 1,97 nghìn tỷ đồng. Điều này là nhờ tăng trưởng mạnh thu nhập hoạt động (+87,3% YoY). Trong khi đó CIR giảm và chi phí dự phòng cũng giảm -41% YoY. LNTT 6T2021 đạt 3,12 nghìn tỷ đồng (+220% YoY). MSB hoàn thành 95% kế hoạch năm là 3,28 nghìn tỷ đồng.
Chúng tôi điều chỉnh tăng 6% ước tính LNTT 2021 lên 4,23 nghìn tỷ đồng (+67,8% YoY). Trong khi đó giảm -9,3% ước tính năm 2022 còn 4,43 nghìn tỷ đồng (+4,6% YoY). Ước tính điều chỉnh phản ánh xu hướng NIM giảm trong hai năm, do xu hướng lãi suất thấp kéo dài. MSB đã ghi nhận 1,6 nghìn tỷ đồng thu nhập từ phí bancassurance trong Q2/2021. Và giả định MSB sẽ tiếp tục ghi nhận 400 tỷ đồng thu nhập từ phí này trong 2022. Chi phí dự phòng điều chỉnh tăng +5,8% lên 1,1 nghìn tỷ đồng (+6,7% YoY) trong 2021.
Chuyên gia khuyến nghị giảm giá mục tiêu 1 năm đối với MSB còn 29.600 đồng/cp (giảm từ 31.300 đồng/cp). Trong đó sử dụng BVPS trung bình 2021-2022 và hệ số P/B không đổi là 1,5x. Với tiềm năng tăng giá 4,6%, chúng tôi duy trì khuyến nghị Trung lập đối với MSB.