Bên cạnh các cổ phiếu trong ngành phân bón, cảng biển thì nhóm ngành dệt may cũng là một nhóm ngành có cổ phiếu tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. STK cũng nằm trong nhóm tăng trưởng tốt nhờ kết quả kinh doanh nửa đầu năm ổn định. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến khá căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, ngành dệt may nói chung và STK nói riêng cũng đang đứng trước những thách thức trong thời gian tới. Cùng chúng tôi phân tích chi tiết hơn về cổ phiếu này qua bài viết dưới đây.
Thuế chống bán phá giá
Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2080/QĐ-BCT vào ngày 31/8/2021. Từ đó, sợi PFY nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia sẽ phải chịu thuế chống bán phá giá. Quyết định này sẽ có hiệu lực trong 120 ngày, bắt đầu từ ngày 03/09/2021.
Các mặt hàng bị áp dụng thuế theo quyết định này bao gồm sợi POY, sợi DTY và sợi FDY. Các mã nhập khẩu lần lượt là 5402.33.00, 5402.46.00 và 5402.47.00.
Theo Bộ Công Thương, sản lượng nhập khẩu sợi PFY từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia đã tăng lên 300.000 tấn trong năm 2019 từ 189.262 tấn trong năm 2017. Theo đó nhập khẩu từ các nước này tương đương với 55% nhu cầu sợi PFY trong nước năm 2019 theo ước tính của chúng tôi. Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng nhập khẩu từ các nước này là 175.600 tấn. Mức này chiếm 68% sản lượng sợi PFY nhập khẩu với 258.000 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ.
Sản lượng nhập khẩu tăng mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà sản xuất trong nước. Do đó, Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời với sợi PFY nhập khẩu. Mục tiêu cuối cùng nhằm để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Mức thuế với Trung Quốc trong khoảng 3.36%-17.45%
Trung Quốc là nhà xuất khẩu sợi PFY chính vào Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2021, sản lượng sợi PFY nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 156.500 tấn. Mức này chiếm 60% tổng sản lượng PFY nhập khẩu. Trong đó có 20.000 tấn sợi PFY tái chế, phần còn lại là sợi PFY nguyên sinh.
Theo Quyết định của Bộ Công Thương, hầu hết các nhà sản xuất Trung Quốc hiện sẽ phải đối mặt với mức thuế chống bán phá giá là 17,45%. Trong đó có các trường hợp ngoại lệ sau:
- 24 nhà sản xuất hiện phải chịu mức thuế từ 9,47%-16,31%.
- 10 nhà sản xuất hiện phải chịu mức thuế từ 3,36%-3,44%.
Sau khi thảo luận với STK, chúng tôi hiểu rằng giá nhập khẩu bình quân sợi PFY từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn 10%-12% so với giá bán bình quân của STK. Thuế chống bán phá giá sẽ cho phép STK cạnh tranh về giá tại thị trường trong nước. Do đó sẽ giúp Công ty cải thiện đáng kể sản lượng tiêu thụ và tỷ suất lợi nhuận đối với cả sợi PFY nguyên sinh và tái chế.
Ngành dệt may đối mặt những thách thức nửa cuối năm
Nhìn nhận nửa cuối năm 2021, tăng trưởng ngành dệt may có thể chậm lại do đợt bùng phát dịch COVID-19 ở khu vực phía Nam. Chuỗi cung ứng một lần nữa gián đoạn do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu. Hơn nữa còn có khả năng thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), khoảng 50% nhà máy đặt tại khu vực miền Nam và tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 30 – 35%, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ” cho người lao động gây thiếu hụt lao động. Đồng thời, tỷ lệ tiêm vaccine cho ngành dệt may vẫn thấp.
Thậm chí với kịch bản tích cực nếu dịch được kiểm soát vào cuối tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2021 có thể chỉ đạt 33 tỷ USD giảm 6% và hoàn thành 84% kế hoạch của Chính phủ Việt Nam cho năm 2021 (39 tỷ USD). Bên cạnh đó, số lượng công nhân dự kiến cũng sẽ chỉ đạt 60-65%. Đây sẽ là thách thức lớn cho ngành dệt may trong quý 3 này.
Một trở ngại khác của ngành dệt may Việt Nam chính là chi phí logistic tăng cao. Tình trạng thiếu container rỗng và chi phí logistic tăng cao có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng ODM và OBM.
Khuyến nghị đầu tư cổ phiếu STK
STK được dự báo có thể đạt lãi ròng 296 tỷ đồng nhờ việc chuyển đổi đơn hàng từ sợi nguyên sinh sang sợi tái chế và giành thêm thị phần từ thị trường Mỹ. Các chi phí tăng thêm cho ăn, ở và tiêm vaccine Covid-19 cho nhân viên vào khoảng 3 tỷ đồng. Bởi lượng công nhân ở đây thấp hơn so với các doanh nghiệp gia công hàng may mặc khác.
HSC hiện dự báo lợi nhuận thuần năm 2021 đạt 287 tỷ đồng (tăng trưởng 99%). Trong năm 2022 và 2023, dự báo lợi nhuận thuần sẽ tăng trưởng lần lượt 25,2% và 11,5% lên lần lượt 360 tỷ đồng và 401 tỷ đồng.
Cổ phiếu STK hiện đang giao dịch với P/E dự phóng 2021 là 11,2 lần, tương đương P/E trượt dự phóng 1 năm là 9,5 lần, so với mức bình quân là 6,8 lần (kể từ tháng 1/2017).
Tuy nhiên, STK có triển vọng lợi nhuận tốt nhờ cơ cấu sản phẩm cải thiện sau khi chuyển từ sản xuất sợi PFY nguyên sinh sang sợi PFY tái chế. Cùng tác động từ việc áp thuế chống bán phá giá, cổ phiếu STK xứng đáng được định giá lại.
HSC chưa đưa tác động của thuế chống bán phá giá vào mô hình dự dó. Do đó, chúng tôi đang xem xét lại giá mục tiêu, dự báo và khuyến nghị.