Theo báo cáo phân tích của một số công ty chứng khoán về những cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/8 cho thấy CTCK MB (MBS) đưa ra khuyến nghị trung lập cổ phiếu NTP của CTCP Nhựa Tiền Phong với giá mục tiêu được xác định là 51.300 đồng do NTP có kết quả kinh doanh ổn định trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, CTCK BIDV (BSC) khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu APH của Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings khi nó tiếp cận ngưỡng 67.0 và CTCK KB Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư nên nắm giữ cổ phiếu của công ty cổ phần FPT với giá mục tiêu 104.300 đồng/CP.
CTCK BIDV (BSC) khuyến nghị chốt lãi khi cổ phiếu APH tiếp cận ngưỡng 67.0
Cổ phiếu APH của Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings đang hình thành xu hướng hồi phục từ ngưỡng đáy 45.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên. Đồng thuận với đà tăng giá cổ phiếu.
Đồng thời, đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20 và MA50; báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 53.7. Chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 67.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 47.0.
APH là một trong những cổ phiếu đáng chú ý trong những phiên giao dịch cuối tháng 8 khi liên tục xác lập sắc tím cùng mức thanh khoản tăng đột biến. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng trần, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu APH tăng 2.800 đồng (+5,58%) từ mức giá 50.200 đồng/CP lên 53.000 đồng/CP.
CTCK MB (MBS) khuyến nghị trung lập cổ phiếu NTP với giá mục tiêu 51.300 đồng/CP
Chúng tôi xác định giá mục tiêu cho cổ phiếu NTP của CTCP Nhựa Tiền Phong là 51.300 đồng (tăng 2% so với mức tham chiếu ngày 27/08/2021) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, phản ánh kỳ vọng về kết quả kinh doanh thấp hơn trong quý III/2021 cũng như áp lực tăng giá của nguyên liệu đầu vào.
NTP duy trì kết quả kinh doanh ổn định trong 6 tháng đầu năm
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, NTP duy trì kết quả kinh doanh ổn định. Với doanh thu thuần tăng 6,4% so với cùng kỳ, đạt 2.395 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 32,3%, đạt 270 tỷ đồng. Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp của NTP đã giảm 6,34% xuống còn 26% so với nửa đầu năm 2020. Do giá hạt nhựa đầu vào đã liên tục tăng từ đầu năm.
Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng lần lượt giảm 56.2% và 21.8% so với cùng kỳ. Sau khi NTP mạnh mẽ cắt giảm chi phí và đồng thời giảm mức chiết khấu cho đại lý. Trong thời điểm đại dịch khiến tăng trưởng doanh thu thấp hơn.
Nợ ngắn hạn tăng 60,7% so với cùng kỳ. Trong khi hàng tồn kho đang ở mức cao – hơn 1.020 tỷ đồng, cao hơn 53,2% so với thời điểm cuối năm 2020. Giá nguyên liệu tăng đẩy giá thành phẩm của NTP cao hơn. Công ty có xu hướng tích trữ thêm nguyên liệu để giảm ảnh hưởng từ giá đầu vào. NTP dùng nợ ngắn hạn như nguồn tiền để nhập nguyên liệu cho sản xuất. Mức tăng của nợ ngắn hạn tương ứng với mức tăng của hàng tồn kho.
Hệ số vòng quay khoản phải thu tăng lên 2,87 lần so với mức 2,46 lần của 6 tháng đầu năm 2020. Thể hiện động thái cải thiện để giảm rủi ro chiếm dụng vốn từ khách hàng của công ty.
Quan điểm đầu tư của CTCP Nhựa Tiền Phong
Quan điểm đầu tư: Giá hạt nhựa PP đầu vào đang có xu hướng chững lại. Nhưng giá hạt nhựa PVC và HDPE vẫn đang duy trì nhịp tăng. Điều này làm gia tăng chi phí sản xuất và thu hẹp biên lợi nhuận gộp của NTP.
Dịch Covid-19 kéo dài với diễn biến bất thường làm đình trệ các dự án nhà ở và hạ tầng cơ sở. Do đó, nhu cầu cho nhựa xây dựng cũng suy giảm theo.
Tuy tập trung vào nhóm khách hàng khu vực miền Bắc, NTP vẫn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhóm các doanh nghiệp nhựa miền Nam như đối thủ lâu năm BMP và các công ty mới phát triển mảng nhựa xây dựng như HSG, Tân Á Đại Thành.
Mức tăng giá bán của NTP trong thời gian vừa qua là khá lớn và tăng nhiều hơn BMP. Điều này làm giảm sức cạnh tranh về giá giữa thời điểm các doanh nghiệp xây dựng giảm tiến độ. Do giá nguyên vật liệu xây dựng đã tăng quá cao, đặc biệt là thép.
Rủi ro tới từ việc nhà máy không hoạt động hết công suất định mức bình thường. Sẽ có một phần chi phí sản xuất chung không được phân bổ vào giá thành của thành phẩm hàng tồn kho. Mà sẽ ghi nhận thẳng vào chi phí sản xuất chung trong kỳ, làm tăng chi phí trong kỳ.
CTCK KB Việt Nam (KBSV) khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 104.300 đồng/CP
Quý II/2021, CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) duy trì tăng trưởng tích cực với doanh thu đạt 9.642 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 1.260 tỷ đồng, tăng 16,2%. Doanh thu tháng 7/2021 đạt 2.774 tỷ đồng, tăng 1%; lợi nhuận trước thuế tháng 7/2021 đạt 492 tỷ đồng, tăng 13,4%.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động cung ứng giải pháp, dịch vụ công nghệ tại thị trường châu Mỹ. Mới đây FPT Software đã công bố thương vụ đầu tư vào Intertect International. Đây vốn là doanh nghiệp hoạt động 20 năm trong ngành cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. Hiện tại FPT đã sở hữu trên 5% Intertect International, mức giá đầu tư hiện không được công bố.
Cả 3 mảng kinh doanh chính của FPT đều đang tăng trưởng ổn định và không bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19. KBSV kì vọng FPT sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong nửa sau của năm 2021 và năm 2022.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh. Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu FPT. Giá mục tiêu là 104.300 đồng/CP, cao hơn 13,6% so với giá tại ngày 27/08/2021.
Như vậy, những cổ phiếu cần quan tâm cho phiên ngày 31/8 là NTP, APH và FPT. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán ở trên là nguồn thông tin tham khảo để từ đó có thể đưa ra nhận định của riêng mình.